Trong khi khoảng
400.000 thí sinh có điểm thi đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên mức điểm sàn do Bộ
GD-ĐT công bố đang háo hức và hy vọng bước vào ngưỡng cửa giảng đường thì có
khoảng 700.000 thí sinh phải ngậm ngùi rời bỏ cuộc đua xét tuyển.
Lựa chọn con đường vào
ĐH, CĐ không phải là con đường duy nhất, thế mà mỗi mùa tuyển sinh ĐH, CĐ lại
có trên một triệu bạn trẻ lại lựa chọn con đường “duy nhất” đó.
Trên nửa triệu thí
sinh không thể chen chân, làm lãng phí tiền của cha mẹ, lãng phí thời gian,
nguồn lực xã hội cho những năm tháng luyện thi, thi tuyển… biết bao nhiêu mà
kể. Có người không phải một năm mà có đến cả ba thậm chí là bốn, năm năm theo
đuổi “giấc mơ ĐH, CĐ”. Vì sao họ vẫn lựa chọn một thực tế khó khăn, xa vời như
vậy? Không ít lần dư luận lý giải là vì sự thăng tiến phải dựa vào bằng cấp.
Người viết bài này
từng đề xuất là cần nhanh chóng có một cuộc điều tra, thống kê, ghi nhận thực
tế để tìm ra nguyên nhân vì sao những thí sinh biết rõ năng lực mình sẽ không
thể thi đỗ vào ĐH, CĐ nhưng vẫn cứ tham gia thi tuyển. Rõ ràng, vấn đề không
chỉ ở yếu tố “văn hóa bằng cấp”, mà đang có những lỗ hổng thật sự trong nhận
thức của học sinh cuối cấp THPT về vấn đề thi cử.
Nghĩ rộng ra, các em
thiếu sự định hướng cho con đường tương lai khi bước ra khỏi tuổi học trò, các
em chưa nhìn thấy những con đường khác để đi, các em không đủ tự tin để quyết
định từ chối con đường vào ĐH, CĐ. Đổ lỗi cho các em sẽ là điều chưa thuyết phục,
người lớn phải xem đó là trách nhiệm, thế nhưng, ai gánh vác điều này ?
Hàng năm, cứ đến mùa
tuyển sinh lại ồ ạt các buổi tư vấn. Nhưng nội dung các cuộc tư vấn tuyển sinh
đó đa phần hướng các em vào con đường ĐH, CĐ chứ ít có vạch cho học sinh tìm kiếm
những con đường khác để lựa chọn. Những nhà hoạch định chiến lược giáo dục nước
ta cần phải nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra những giải pháp góp phần tránh lãng
phí.
Là cha mẹ, mỗi người
đều phải đánh giá lực học của con mình để góp phần phân tích, lựa chọn. Học
sinh, hơn ai hết, phải tự biết năng lực thật sự, để tìm hướng đi tốt nhất cho
cuộc đời mình.
Nguồn: sggp.org.vn